Có thể xin phép xây dựng trước khi được cấp GCN quyền sử dụng đất?

thủ tục cấp lại giấy phép xây dựng bị mất

HỎI:

Mẹ tôi được bà ngoại tôi cho tặng 1 căn nhà, đã làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, chờ ngày lấy giấy chứng nhận mang tên mẹ. Nay mẹ tôi muốn xây dựng mới lại căn nhà này thì có thể xin phép xây dựng trước khi được cấp GCN quyền sử dụng đất không? Thủ tục thế nào? Thời gian bao lâu mới có giấy phép?

( Hồng Phượng)

Xin cấp phép xây dựng khi chưa sang tên
Có được xin phép xây dựng trước khi được cấp GCN quyền sử dụng đất

TRẢ LỜI:

Có tính chất tham khảo

1. Về việc mẹ bạn xin giấy phép xây dựng trước khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Điều 41 Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở quy định rõ: Hộ gia đình, cá nhân chỉ được xây dựng nhà ở trên diện tích đất đã có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và không thuộc diện bị cấm xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trước khi xây dựng nhà ở riêng lẻ, hộ gia đình, cá nhân phải làm thủ tục để cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng, trừ trường hợp được miễn Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Như vậy, để được xây dựng nhà ở trên đất thì mẹ bạn phải được công nhận là chủ sử dụng của mảnh đất đó và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, tại thời điểm hiện tại (khi mẹ bạn chưa hoàn thành thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất do bà bạn tặng cho) thì mẹ bạn chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận là chủ sử dụng của mảnh đất đó nên cũng chưa thể tiến hành việc xây dựng nhà trên mảnh đất được nhận tặng cho, vì:

– Theo khoản 4 Điều 146 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thì “Hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê, thuê lại quyền sử dụng đất; hợp đồng hoặc văn bản tặng cho quyền sử dụng đất; hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất”. Vì mẹ bạn chưa hoàn thành thủ tục đăng ký sang tên nên hợp đồng chưa có hiệu lực và chưa phát sinh quyền của mẹ bạn đối với mảnh đất được bà bạn tặng cho;

– Theo quy định tại Khoản 1 Điều 168 Bộ luật Dân sự: thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, chỉ khi mẹ hoàn tất thủ tục đăng ký sang tên tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì mẹ bạn mới có quyền sử dụng mảnh đất nhận tặng cho đó và lúc này mẹ bạn mới có quyền xây dựng ngôi nhà trên thửa đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình và làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật.

Xin cấp phép xây dựng khi chưa sang tên

Xin phép xây dựng trước khi được cấp GCN quyền sử dụng đất

2. Thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng

Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên mình thì mẹ bạn có thể làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng theo hướng dẫn tại Luật Xây dựng và Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng:

* Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng (Điều 66 Luật Xây dựng):

– Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng có quy mô lớn, công trình có kiến trúc đặc thù, công trình tôn giáo và các công trình xây dựng khác thuộc địa giới hành chính do mình quản lý theo quy định của Chính phủ.

– Uỷ ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng trong đô thị, các trung tâm cụm xã thuộc địa giới hành chính do mình quản lý, trừ các công trình xây dựng quy định trên.

– Uỷ ban nhân dân cấp xã cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ ở những  điểm dân cư nông thôn đã có quy hoạch xây dựng được duyệt, những điểm dân cư theo quy định của Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải cấp giấy phép xây dựng thuộc địa giới hành chính do mình quản lý.

* Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng (Theo Điều 63 Luật Xây dựng và Điều 8 Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 của Chính phủ):

– Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng (theo mẫu đối với từng trường hợp, từng loại công trình).

– Bản sao có chứng thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; giấy tờ về quyền sở hữu công trình, nhà ở, đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo; giấy ủy quyền, đối với trường hợp được chủ sở hữu công trình ủy quyền thực hiện sửa chữa, cải tạo; quyết định cho phép đầu tư xây dựng của cấp có thẩm quyền đối với công trình ngầm đô thị; quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

* Quy trình xin cấp giấy phép xây dựng (Điều 9 Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 của Chính phủ):

– Cơ quan cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng; kiểm tra hồ sơ; ghi giấy biên nhận đối với trường hợp hồ sơ đáp ứng theo quy định hoặc hướng dẫn để chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ không đáp ứng theo quy định.

– Cơ quan cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm theo dõi, trả kết quả hoặc thông báo cho chủ đầu tư về hồ sơ chưa đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, đơn vị được giao thẩm định hồ sơ có trách nhiệm xem xét hồ sơ, kiểm tra thực địa (nếu cần thiết). Khi xem xét hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải xác định các tài liệu; còn thiếu, các tài liệu không đúng theo quy định hoặc không đúng với thực tế để thông báo một lần bằng văn bản cho chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ bổ sung chưa đáp ứng được yêu cầu theo văn bản thông báo thì cơ quan cấp phép có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hướng dẫn cho chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Chủ đầu tư có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo văn bản thông báo. Sau hai lần bổ sung, hồ sơ vẫn không đáp ứng được các điều kiện theo quy định thì cơ quan cấp phép có quyền không xem xét việc cấp giấy phép và thông báo cho chủ đầu tư biết.

– Căn cứ quy mô, tính chất, loại công trình và địa điểm xây dựng công trình có trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, cơ quan cấp phép xây dựng có trách nhiệm đối chiếu với các điều kiện quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 Nghị định này để gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng.

– Trong thời gian 10 ngày làm việc đối với công trình và nhà ở tại đô thị, 7 ngày làm việc đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn, kể từ ngày nhận được hồ sơ, các cơ quan được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình. Sau thời hạn trên, nếu không có ý kiến coi như các cơ quan này đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình; cơ quan cấp giấy phép xây dựng căn cứ các quy định hiện hành và các điều kiện quy định tại Nghị định này để quyết định việc cấp giấy phép xây dựng.

– Thời gian cấp giấy phép xây dựng:

Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian quy định dưới đây:

+ Đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng mới, bao gồm cả giấy phép xây dựng tạm, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời, thời gian không quá 20 ngày làm việc đối với công trình; 15 ngày làm việc đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị; 10 ngày làm việc đối với nhà ở nông thôn, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

+ Đối với trường hợp cấp lại hoặc gia hạn giấy phép xây dựng: Không quá 10 ngày làm việc.

Trường hợp đến hạn theo quy định tại điểm a, b khoản này, nhưng cần phải xem xét thêm thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn theo quy định tại Điểm a, b Khoản này.

– Nhận kết quả, nộp lệ phí xin cấp phép xây dựng:

+ Chủ đầu tư nhận giấy phép xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế có đóng dấu của cơ quan cấp giấy phép xây dựng hoặc văn bản trả lời (đối với trường hợp không đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng) tại nơi tiếp nhận hồ sơ, theo thời hạn ghi trong giấy biên nhận;

+ Chủ đầu tư có trách nhiệm nộp lệ phí theo quy định khi nộp hồ sơ.

– Trường hợp hồ sơ khồng đủ điều kiện để cấp phép trong thời hạn nêu tại khoản 6 Điều này, cơ quan cấp phép phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho chủ đầu tư biết. Nếu quá thời hạn ghi trong giấy biên nhận mà cơ quan cấp phép không trả lời thì chủ đầu tư được phép xây dựng công trình theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt theo quy định có trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng.

Các văn bản liên quan:

  • Luật 16/2003/QH11 Xây dựng
  • Nghị định 181/2004/NĐ-CP Về thi hành Luật Đất đai
  • Nghị định 64/2012/NĐ-CP Về cấp giấy phép xây dựng
  • Nghị định 71/2010/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở
  • Luật 56/2005/QH11 Nhà ở

Trả lời