Câu chuyện xây dựng sai phép diễn ra khá phổ biến ở thành phố lớn như Hà Nội, nhất là khi hàng loạt dự án nhà ở “ra đời” đến chóng mặt như hiện nay.
Dù đã được cấp giấy phép xây dựng nhưng nhiều chủ dự án vẫn cố tình xây dựng sai phép, trong khi đó công tác hậu kiểm còn khá hạn chế nên chỉ khi bị cư dân “tố” hoặc các cơ quan báo chí lên tiếng thì sự việc mới được cơ quan chức năng vào cuộc… Vì sao dự án vẫn ngang nhiên sai phép dù đã được cấp phép và có cả hệ thống thanh tra, giám sát từ cấp phường? Dự án sai phép bị xử nghiêm như yêu cầu phá dỡ phần xây dựng sai phép, cắt ngọn… vô cùng hiếm hoi. Từ thực tế đó, báo chí đã giới thiệu loạt bài về thực trạng cấp phép và những nảy sinh trong quá trình xin cấp phép, thực hiện các dự án, tiếng nói của chủ đầu tư và chuyên gia xung quanh vấn đề này. Theo quan sát của các phóng viên, cơi nới, chia nhỏ diện tích để tăng số lượng căn hộ hay tăng số tầng… là những sai phạm điển hình ở nhiều dự án tại Hà Nội thời gian qua. Đơn cử, cuối tháng 4 vừa qua, hàng trăm cư dân chung cư Hồ Gươm Plaza (Hà Đông) đã cùng nhau căng biểu ngữ phản đối chủ đầu tư là Công ty CP may Hồ Gươm bàn giao thiếu hạng mục. Ban đại diện lâm thời chung cư Hồ Gươm Plaza cho biết, chủ đầu tư cố tình cơi nới, chia nhỏ diện tích để tăng thêm hàng chục căn hộ tại hai tòa tháp A và B của dự án. Ngoài ra, chủ đầu tư còn chuyển một số căn hộ cho thuê tại tháp B thành căn hộ để bán và “lách” dưới dạng hợp đồng cho thuê.
Mới đây nhất, dự án Golden West ở số 2 Lê Văn Thiêm (Thanh Xuân, Hà Nội) do Công ty CP Phát triển thương mại Việt Nam (Vietradico) mua lại của Tổng công ty Cơ khí Xây dựng Coma đã bị cư dân gửi đơn lên UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội kêu cứu về việc chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế căn hộ để dùng vào mục đích thương mại.Tương tự, cư dân chung cư cao cấp BMM (Hà Đông) đã rất bức xúc khi chủ đầu tư là Công ty CP Sông Đà 12 tự ý xây thêm tầng khi phê duyệt quy hoạch cao 30 tầng nổi, một tầng hầm và một tầng kỹ thuật, nhưng trên thực tế thì công trình này hiện có 32 tầng nổi, một tầng hầm và không có tầng kỹ thuật.
Cụ thể, vào thời điểm ký kết hợp đồng mua bán theo thiết kế mặt bằng các tầng căn hộ đã được phê duyêt và theo cam kết của chủ đầu tư, các tầng căn hộ của tòa nhà sẽ bao gồm các ô căn thoáng xen kẽ giữa các căn hộ. Tuy nhiên, khi dự án bước vào giai đoạn hoàn thiện và chuẩn bị được bàn giao người mua nhà mới phát hiện chủ đầu tư đã thay đổi thiết kế ban đầu đối với các ô căn thoáng để làm căn hộ hay được dùng cho một mục đích thương mại nào khác. Cư dân cho rằng, việc thay đổi thiết kế các ô căn thoáng để làm căn hộ (nếu được phê duyệt vào thời điểm hiện tại) sẽ làm tăng mật độ cư dân trong tòa nhà một cách đáng kể, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người mua đã được thỏa thuận với chủ đầu tư trước đó. Việc thay đổi này sẽ trực tiếp dẫn tới việc thay đổi các điều khoản thương mại chính trong hợp đồng mua bán đã ký giữa người mua và chủ đầu tư. Vì thế, cư dân dự án đề nghị UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội không cho phép, không phê duyệt hoặc rút lại bất kỳ quyết định cho phép nào làm thay đổi đối với các ô căn thoáng trong tòa nhà Golden West nhằm gia tăng mật độ dân cư so với thiết kế đã được duyệt ban đầu. Việc xây dựng sai phép, vượt tầng cũng diễn ra ở nhiều dự án khác… nhưng việc xử lý là không dễ dàng khi “gạo đã nấu thành cơm”. Điều này cho thấy công tác giám sát, thanh tra trong việc chủ dự án thi công dự án theo giấy phép xây dựng đã được cấp còn rất lỏng lẻo.
Cấp phép là vậy nhưng công tác hậu kiểm có quá nhiều vấn đề, nhiều khi có cũng như không khi mà hàng loạt dự án sai phép vẫn mọc lên hiên ngang thách thách dư luận, chính quyền. Nhiều chủ đầu tư bị điểm mặt xây vượt tầng, bị thanh tra dự án, dừng cấp phép dự án mới… vẫn không thay đổi được sự thật là các chung cư sai phép này vẫn sững sững tồn tại trơ gan cùng tuế nguyệt, toàn bộ các phần ngọn, các hạng mục sai phép dần không thấy ai nhắc đến chuyện xử lý, cắt ngọn, phá dỡ phần sai phép. Biện pháp xử lý phổ biến và… mạnh tay nhất thường là … phạt hành chính. Số tiền vài phạt chục triệu đồng xử phạt tại mỗi dự án chỉ mang tính tượng trưng khi với mỗi m2 sai phép, chủ đầu tư cũng thu được vài chục triệu đồng. Và rồi công trình xây dựng sai phép cũng tồn tại như đúng phép. Lần lượt các chung cư khác cũng có “hoàn cảnh tương tự”, chưa hề thấy chung cư nào cắt ngọn, trừ dự án Lê Trực, khi Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết xử lý cắt ngọn phần xây dựng sai phép, nhưng chủ đầu tư lại kêu oan vì cho rằng những quy định giao thời về việc cấp phép và không cấp phép dự án tại thời điểm 2008-2012 khiến chủ đầu tư bị rơi vào thế kẹt, chứ không phải họ cố tình sai phạm.