Theo qui định, giấy phép xây dựng đối với nhà riêng lẻ có hiệu lực trong vòng một năm. Nhiều bạn đọc thắc mắc nếu không kịp khởi công công trình trong thời gian qui định thì có được gia hạn giấy phép xây dựng hoặc có được sang tên giấy phép xây dựng trong trường hợp mua đất chưa xây dựng đã có giấy phép không? Ông Trần Quốc Tuấn, trưởng Phòng cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết:
Điều 22, quyết định số 04 ngày 17-1-2006 của UBND TP về cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng qui định: trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày cấp phép xây dựng mà công trình chưa có điều kiện khởi công thì chủ đầu tư mang bản chính giấy phép xây dựng và đơn xin phép gia hạn liên hệ cơ quan cấp phép xây dựng để gia hạn. Chủ đầu tư có thể gia hạn nhiều lần, mỗi lần 12 tháng, trừ trường hợp khu đất dự kiến xây dựng thay đổi qui hoạch, có qui định khác, dẫn đến nội dung giấy phép xây dựng không còn phù hợp; hoặc trường hợp đất bị Nhà nước thu hồi theo qui định, đất đã hết hạn sử dụng nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn thời gian sử dụng đất.
* Thưa ông, trường hợp chủ nhà đã có giấy phép xây dựng nhưng chưa xây, sau đó bán nhà thì người mua nhà có được xây dựng theo giấy phép đã có hay phải làm thủ tục xin phép xây dựng lại?
– Giấy phép xây dựng dùng để làm căn cứ giám sát thi công, kiểm tra và xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, lập biên bản nghiệm thu, bàn giao công trình và đăng ký sở hữu, sử dụng công trình. Do vậy, người mua đất chưa xây dựng đã có giấy phép xây dựng của chủ cũ vẫn phải lập thủ tục xin cấp phép xây dựng lại theo đúng qui định nhằm đảm bảo các yêu cầu trên và đăng ký sở hữu công trình.
Nội dung cơ bản của giấy phép xây dựng
Nội dung chủ yếu của giấy phép xây dựng bao gồm:
- Địa điểm, vị trí xây dựng công trình, tuyến xây dựng công trình
- Loại, cấp công trình
- Cốt xây dựng công trình
- Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng
- Bảo vệ môi trường và an toàn công trình
- Đối với công trình dân dụng, công trình công nghiệp trong đô thị ngoài các nội dung trên thì còn phải có nội dung về diện tích xây dựng công trình, chiều cao từng tầng, chiều cao tối đa toàn công trình, màu sắc công trình
- Những nội dung khác quy định đối với từng loại công trình
- Hiệu lực của giấy phép.
Hồ sơ xin cấp phép xây dựng
Điều 63 Luật Xây dựng quy định về hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng theo đó, tuỳ theo tính chất, quy mô công trình, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng bao gồm những tài liệu chủ yếu sau đây:
- Đơn xin cấp giấy phép xây dựng (đơn theo mẫu quy định sẵn). Trường hợp xin cấp Giấy phép xây dựng tạm có thời hạn thì trong đơn xin cấp Giấy phép xây dựng còn phải có cam kết tự phá dỡ công trình khi Nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng
- Bản vẽ thiết kế xây dựng công trình. Bản vẽ thiết kế thể hiện được vị trí mặt bằng, mặt cắt, các mặt đứng chính, mặt bằng móng của công trình, sơ đồ vị trí hoặc tuyến công trình, sơ đồ hệ thống và điểm đấu nối kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước mưa, thoát nước thải. Riêng đối với công trình sửa chữa, cải tạo yêu cầu phải có Giấy phép xây dựng thì phải có ảnh chụp hiện trạng công trình.
- Giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (Sổ đỏ, sổ hồng…). Bản sao một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất
- Đối với công trình, nhà ở riêng lẻ thì trong hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng công trình ngoài các tài liệu trên, chủ công trình xây dựng còn phải có giấy cam kết tự phá dỡ công trình khi Nhà nước thực hiện quy hoạch xây dựng.
Riêng đối với trường hợp xin phép xây nhà tại vùng nông thôn thì hồ sơ xin cấp Giấy phép xây dựng nhà ở nông thôn gồm:
- Đơn xin cấp Giấy phép xây dựng theo mẫu.
- Bản sao một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
- Sơ đồ mặt bằng xây dựng công trình trên lô đất và các công trình liền kề nếu có do chủ nhà ở đó tự vẽ.
Như vậy, khi bạn mua đất chưa xây đã có giấy phép xây dựng, bạn vẫn phải làm lại thủ tục xin giấy phép xây dựng mới nhằm đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về pháp luật cũng như đảm bảo quyền lợi về tài sản của mình.